Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Tiền lương trong đơn giá xây dựng cơ bản

Trước khi phân tích về chế độ tiền lương, chi phí nhân công trong đơn giá XDCB, chúng ta có thể tham khảo và ghi nhận một số khái niệm tiền lương như sau:
Tiền lương: là giá cả sức lao động được hình thành qua thỏa thuận giữa người sử dụng sức lao động và người lao động phù hợp với quan hệ cung cầu sức lao động trong nền kinh tế thị trường.
Tiền lương cơ bản: là tiền lương được chính thức ghi trong các hợp đồng lao động, các quyết định về lương hay qua các thỏa thuận chính thức. Tiền lương cơ bản phản ánh giá trị của sức lao động và tầm quan trọng của công việc mà người lao động đảm nhận.
Tiền lương tối thiểu: là tiền lương trả cho lao động giản đơn nhất trong điều kiện bình thường của xã hội. Lương tối thiểu được điều chỉnh từng thời kỳ để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động khi giá cả thị trường có biến động. Trong lương tối thiểu được chia ra tiền lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng.
Lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;  Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; ... hưởng lương từ NSNN, dùng làm cơ sở tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định đối với các đối tượng, nó cũng là căn cứ để tính một số khoản phụ cấp lương (như phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực, …) khi lập đơn giá tiền lương trong chi phí trực tiếp đối với dự án đầu tư xây dựng. Lương tối thiểu chung được Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Lương tối thiểu vùng  để trả cho người lao động làm việc đơn giản nhất trong điều kiện làm việc bình thường ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, được Chính phủ điều chỉnh hàng năm.
Phụ cấp lương: là khoản tiền lương bổ sung cho lương cấp bậc, chức vụ khi điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc và điều kiện sinh hoạt có yếu tố không ổn định.
Các khoản phụ cấp lương, như: phụ cấp khu vực, phụ cấp độc hại, phụ cấp lưu động, phụ cấp không ổn định sản xuất…
Đối với Dự toán xây lắp và chi phí nhân công trong dự toán dự án xây lắp công trình
Theo chế độ XDCB hiện hành, giá trị dự toán xây lắp sau thuế của công trình xây dựng bao gồm: giá trị dự toán xây lắp trước thuế và khoản thuế giá trị gia tăng đầu ra.
Giá trị dự toán xây lắp trước thuế: là mức giá để tính thuế giá trị gia tăng, bao gồm các chi phí trực tiếp, chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước. Các chi phí trên được xác định theo mức tiêu hao về vật tư, lao động, sử dụng máy... và mặt bằng giá khu vực từng thời kỳ do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chi phí trực tiếp: Bao gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng máy thi công được xác định dựa trên cơ sở khối lượng xây lắp tính theo thiết kế được duyệt và đơn giá xây dựng cơ bản của công tác xây lắp tương ứng.
Chi phí phân công (NC) trong giá trị dự toán xây lắp công trình được xác định theo công thức:
NC = B x Gnc.
Trong đó:
- B là lượng hao phí lao động tính bằng ngày công trực tiếp theo cấp bậc bình quân cho một đơn vị khối lượng công tác xây dựng trong định mức dự toán xây dựng công trình.
- Gnc: là đơn giá ngày công của công nhân trực tiếp xây dựng, được xác định theo mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực. Các yếu tố cấu thành bao gồm: lương cơ bản, các khoản phụ cấp có tính chất lương và các chi phí theo chế độ đối với công nhân xây lắp mà có thể khoán trực tiếp cho người lao động để tính cho một ngày công định mức, tùy theo từng thời kỳ:
Thời kỳ từ năm 1994 đến năm 2004
Chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng cơ bản công trình sử dụng vốn ngân sách được lập và tính theo lương tối thiểu vùng, cấp bậc tiền lương theo bảng lương A6 của Nghị định số 05/1994/NĐ - CP ngày 26/01/1994 của Chính phủ và chế độ về phụ cấp lưu động (mức thấp nhất 20% tiền lương tối thiểu chung), phụ cấp không ổn định sản xuất ở mức bình quân 10%, một số khoản lương phụ (nghỉ lễ, tết, phép...) bằng 12% và một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% so với lương cơ bản.
Công thức tính đơn giá nhân công (GNC) cho một ngày công trực tiếp sản xuất:
image
Trong đó:
- GNC: đơn giá nhân công tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.
- Limage: là lương cơ bản, được tính trên cấp bậc lương, nhân (x) lương tối thiểu vùng.
- PCimage là các khoản phụ cấp lương, gồm: Phụ cấp lưu động và phụ cấp không ổn định sản xuất, tính theo tỷ lệ % trên lương tối thiểu chung. Tỷ lệ cao thấp tùy công trình thuộc địa bàn vùng miền nào theo chế độ quy định.
- LP: lương phụ, bằng 12% lương cơ bản;
- LKimage: lương khoán trực tiếp, bằng 4% lương cơ bản.
- t = 24 ngày công làm việc trong tháng.
Từ năm 2004 đến tháng 5 năm 2015
Chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng cơ bản công trình sử dụng vốn ngân sách được tính theo lương tối thiểu vùng, cấp bậc tiền lương theo bảng lương A8 kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ và các Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC, số 11/2005/BNV-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định 112/2009/NĐ-CP về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Về cơ bản. Chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng cơ bản công trình thời kỳ này tương tự thời kỳ trước (1994-2004), gồm: lương cơ bản (theo bảng lương A8), phụ cấp lưu động (mức thấp nhất 20% tiền lương tối thiểu chung), một số khoản lương phụ (nghỉ lễ, tết, phép...) bằng 12% và một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% so với lương cơ bản.
Công thức tính đơn giá ngày công tương tự như thời kỳ trước. Theo đó, image . Có điểm khác là trong phụ cấp lương (PCimage) không có khoản phụ cấp không ổn định sản xuất như thời kỳ trước và t = 24 ngày công.
Thời kỳ từ tháng 5/2015 trở đi
Khi có Nghị định số 49/CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điểm của Bộ Luật lao động về tiền lương, thay thế Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015 về đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng để xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, ... làm cơ sở xác định giá gói thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Thông tư số 01/2015/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/5/2015.
Đơn giá nhân công được xác định theo công thức:
image
Trong đó:
- GNC: đơn giá nhân công tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng.
- LNC: mức lương đầu vào để xác định đơn giá nhân công cho một ngày công trực tiếp sản xuất xây dựng. Mức lương này đã bao gồm các khoản lương phụ, các khoản phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực, phụ cấp không ổn định sản xuất và đã tính đến các yếu tố thị trường. Mức lương đầu vào tính theo 4 khu vực như sau:
(Đơn vị tính: đồng/tháng)
Vùng I
Vùng II
Vùng III
Vùng IV
2.350.000
2.150.000
2.000.000
1.900.000
- HCB: hệ số lương theo cấp bậc của nhân công trực tiếp sản xuất xây dựng, được công bố tại Phụ lục số 02 của Thông tư này.
- t: 26 ngày làm việc trong tháng.
Theo quy định của Thông tư số 01/2015/TT-BXD nêu trên, đơn giá nhân công để lập dự toán chi phí xây lắp đơn giản hơn, do mức lương đầu vào image đã bao gồm cả lương cơ bản, các khoản phụ cấp lương, lương phụ, lương khoán trực tiếp.
Một số dạng sai phạm trong lập dự toán chi phí nhân công các dự án đầu tư xây dựng
Đơn giá tiền lương ngày làm căn cứ tính dự toán chi phí nhân công trong các dự án đầu tư xây dựng từ năm 1994 đến năm 2015 qua ba giai đoạn. Theo công thức tổng quát về đơn giá nhân công qua các giai đoạn như nêu trên thì các yếu tố ảnh hưởng đến đơn giá tiền lương là hệ số lương cấp bậc, lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng, các khoản phụ cấp lương, lương phụ, lương khoán trực tiếp… Trong quá trình lập dự toán chi phí nhân công theo dự án, nếu lập không đúng chế độ thì các yếu tố này đều cho kết quả dự toán không chính xác. Qua công tác thanh, kiểm tra các dự án đầu tư thời gian qua cho thấy một số dạng sai phạm chính trong việc lập dự toán chi phí nhân công như sau:
- Lập sai về phụ cấp lương: phụ cấp lương có nhiều loại (phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp không ổn định sản xuất…), tùy theo chế độ về lập dự toán xây dựng cơ bản mỗi thời kỳ, Nhà nước quy định đơn giá tiền lương đầu vào để lập dự toán dự án đầu tư gồm khoản phụ cấp nào.
Qua thanh tra một số dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông vừa qua thấy đơn giá tiền lương được áp dụng theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP…, không có khoản phụ cấp không ổn định sản xuất, trong đơn giá XDCB của các địa phương đa số đã bỏ nội dung chi phí này, nhưng khi lập dự toán chủ đầu tư vẫn phê duyệt khoản phụ cấp không ổn định sản xuất tương đương 10% lương cơ bản trong chi phí nhân công, giá trị tổng mức đầu tư mỗi dự án lập sai tăng hàng tỷ đồng.
- Lập sai về tỷ lệ: Các khoản phụ cấp thường được tính theo tỷ lệ % theo lương tối thiểu chung (thường thấp hơn lươngtối thiểu vùng và lương cơ bản), tỷ lệ các phụ cấp cao thấp tùy theo vùng miền, ngành nghề. Do đó, nếu phụ cấp tính theo lương cơ bản hoặc lương tối thiểu vùng sẽ cao hơn lập theo lương tối thiểu chung, hoặc nếu áp tỷ lệ phụ cấp cho dự án thuộc vùng miền, ngành nghề không đúng tỷ lệ được hưởng sẽ có kết quả khác nhau.
- Đưa thêm tiền ăn ca cho công nhân vào chi phí tiền lương khi lập dự toán: một số dự án đầu tư xây dựng đơn vị tư vấn đã lập và chủ đầu tư duyệt đưa thêm khoản chi phí ăn ca vào dự toán, sai chế độ….
Chi phí tiền lương là một trong 3 khoản chi phí trực tiếp trong dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, lập dự toán chi phí tiền lương sai quy định như nêu trên sẽ làm dự toán dự án đầu tư tăng không đúng, gây thất thoát lãng phí vốn của nhà nước./.
Nguyễn Duy Việt
Nguồn  trang Bộ tài chính  http://www.mof.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét